NGUYÊN LÝ CƠ BẢN VỀ HỆ THỐNG CẤP THOÁT NƯỚC

Những điều cơ bản về hệ thống cấp thoát nước trong nhà mọi người cần biết để tránh các sự cố không mong muốn trong nhà mình.

(Áp dụng cho công trình quy mô 5 tầng trở xuống diện tích sàn nhỏ hơn 300m2)

Thiết kế hệ thống cấp thoát nước.

 

Các loại ống đang sử dụng phổ biến ngày nay cho hệ thống cấp thoát nước dân dụng, Phân tích ưu và nhược điểm.

Ống PPR

  • Ưu điểm: Độ bền cao, chống ăn mòn tốt, dễ thi công, chịu được áp lực lớn, có khả năng đàn hồi tốt, ít ảnh hưởng tới chất lượng nước. Với những ưu điểm này hiện nay phần lớn các công trình xây dựng đều sử dụng cho mục đích cấp nước.
  • Nhược điểm: Giá thành tương đối cao, thi công đòi hỏi máy móc chuyên dụng (máy hàn nhiệt)

Ống HDPE

  • Ưu điểm: Độ bền cao, dễ uốn, chịu áp lực lớn, ít ảnh hưởng tới chất lượng nước. Hiện ống HDPE ứng dụng phổ biến trong việc truyền tải nước trong các khu đô thị, khu phố.
  • Nhược điểm: Giá thành tương đối cao, với đường kính nhỏ hơn D80 kết nối bằng phương pháp ren nên phụ kiện cồng kềnh khó ứng dụng trong cấp nước công trình.

Ống thép mạ kẽm:

  • Ưu điểm: Chịu lực lớn, chịu va đập tốt
  • Nhược điểm: Giá thành cao, khó thi công, tính đàn hồi thấp, tuổi thọ không cao (khoảng 10 năm đã có hiện tượng gỉ sét) gây hỏng ống, ảnh hưởng chất lượng nước. Ngày này ống thép mạ kẽm rất ít được sử dụng để cấp nước sinh hoạt. Chủ yếu ứng dụng làm ống chữa cháy.

Ống Upvc:

  • Ưu điểm: nhẹ, giá thành rẻ, thi công đơn giản không cần máy móc. Một số công trình nhỏ không yêu cầu cao về chất lượng, muốn tiết kiệm chi phí có thể sử dụng ống này.
  • Nhược điểm: Khả năng chịu áp lực thấp. Hóa chất của ống, keo dán ống làm ảnh hưởng tới chất lượng nước. Hiện tại ống này ứng dụng phổ biến trong hệ thống thoát nước.

Ống Inox

  • Ưu điểm: Độ bền cao, chống ăn mòn tốt
  • Nhược điểm: Giá thành rất cao, thi công khó
  • Thường ứng dụng làm ống cấp nước nóng trung tâm cho các công trình cao tầng.

Lựa chọn đường kính ống cho hệ thống cấp nước thoát nước phù hợp vừa đủ dùng tránh lãng phí.

Hệ cấp nước,

  • Với các công trình lớn cần phải lên sơ đồ cấp nước, phân vùng cấp nước. Sau đó dựa vào số lượng thiết bị dùng nước mà tính toán ra đường kính ống cấp nước phù hợp. Với nhà dân quy mô nhỏ dưới 5 tầng diện tích sàn dưới 300m2 thì đường kính ống sử dụng từ D20 đến D32 là đủ: (Ống D20 cấp cho 1-3 thiết bị, ống D25 cấp cho 4-6 thiết bị, D32 cấp cho 7-10 thiết bị). Riêng cụm van sau két nước mái dùng ống PPR D50.
  • Đường ống hút máy bơm lên mái dùng ống PPR D32 và ống đẩy máy bơm dùng ống D25

Hệ thoát nước.

Đối với các công trình lớn cũng cần phải lên sơ đồ thoát nước, phân vùng thoát nước sau đó mới tính toán lưu lượng để lựa chọn đường kính ống phù hợp. Còn đối với công trình nhỏ thường sẽ chọn theo kinh nghiệm như sau:

  • Ống thoát xí (thoát bồn cầu) tối thiểu ống D110. Nếu tuyến ống thoát xí có từ 3-5 xí thì ống sẽ là D125.
  • Ống thoát chậu rửa mặt (lavabo) D42
  • Ống thoát sàn nhà vệ sinh D75 hoặc D90 (với nhà vệ sinh nhỏ dùng 1 thoát sàn D75. Nhà vệ sinh lớn dùng 2 thoát sàn D75 hoặc D90)
  • Ống thoát nước bồn tắm dùng ống D75
  • Ống thoát nước máy giặt và thoát nước chậu rửa bát dùng ống D60 hoặc D75.
  • Ống thoát gom của nhà vệ sinh thường chọn là ống D75 hoặc D90 và phải đảm bảo theo nguyên tắc: “Đường kính ống sẽ lớn dần theo chiều nước chảy.”

Nguyên tắc thiết kế hệ thống cấp thoát nước.

Nguyên tắc thiết kế hệ thống cấp nước như sau:

  • Đường ống đến các thiết bị dùng nước phải ngắn nhất.
  • Thuận lợi cho việc vận hành và sửa chữa. Phải bố trí các van khóa tổng, van khóa từng khu vực và van khóa cho từng phòng vệ sinh. Vì trí các van khóa nên đặt ở những chỗ thuận tiện cho việc đóng mở van sau này.
  • Nên có bể nước ngầm và két nước mái để sử dụng an toàn trong trường hợp bị mất nước.
  • Với nhà có 1 tầng hoặc tầng áp mái do áp lực tĩnh từ két nước xuống thiết bị nhỏ. Vì thế nên lắp đặt thêm máy bơm tăng áp để nước chảy mạnh hơn và tắm được bằng vòi hoa sen.

Nguyên tắc thiết kế hệ thống thoát nước

  • Đường ống thoát nước nằm ngang phải có độ đốc tối thiểu là 1/D (D là đường kính ống). Ví dụ ống đường kính D=110 thì độ dốc tối thiểu là 0,9%
  • Chỉ được đi ống thoát xí, thoát tiểu chung với nhau và tuyệt đối không đi chung với hệ thống khác. Và phải được gom vào bể phốt. Trường hợp nhà ở trong khu đô thị có xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập chung, thì có thể không cần vào bể phốt mà đổ vào hố ga của tuyến thu gom đô thị để nước thải về nhà máy.
  • Thoát nước sàn và thoát nước rửa, thoát bồn tắm, máy giặt đi chung với nhau. Tuyệt đối không được đi chung với thoát xí, thoát tiểu. Và đổ ra hố ga ngoài nhà,
  • Thoát nước mưa nên đi độc lập, trong trường hợp mưa to sẽ thoát tốt hơn không lo nước tràn ngược vào nhà. Bất đắc dĩ có thể thoát chung với hệ thống thoát rửa, nhưng cần phải tăng đường kính lên để đảm bảo thoát nước.
  • Nguyên tắc thông hơi. Với các công trình lớn đường ống dài nên cần phải thông hơi cả trục lẫn thông hơi ống nhánh. Với công trình nhỏ có thể không cần thông hơi nhánh, nhưng bắt buộc trục thoát nước phải được thông hơi lên mái: “Đưa ống lên tới điểm cao nhất của mái”. Đường kính ống thông hơi lên mái là D60 hoặc D75. Bể phốt bắt buộc phải có ống thông hơi D75 riêng đi thẳng lên mái.

Thi công hệ thống cấp thoát nước.

Có thể tham khảo thêm ở đây: https://vicme.vn/thi-cong-he-thong-cap-thoat-nuoc-cong-trinh/

Thi công hệ thống cấp nước:

  • Lựa chọn vật liệu: Với ống nước lạnh trong nhà, trong căn hộ nên dùng ống PPR Pn10 (áp lực danh nghĩa của ống là 10 kg/cm2) ống có chỉ xanh. Với ống nước nóng dùng ống PPR Pn20 ống có chỉ đỏ.

Thi công thô:

  • Thi công theo tiến độ xây dựng: Tường xây thô sau 2 ngày mới được phép cắt đục tường đi ống nước âm tường (để đảm bảo cho tường xây có thời gian khô, và chắc chắn hơn).
  • Các bước cắt đục tường như sau: Đọc bản vẽ thiết kế > dùng thước đo xác định đúng vị trí tuyến ống > Đánh dấu vị trí tuyến ống đi trên tường, > dùng máy cắt chuyên dụng để cắt 2 đường tạo thành rãnh theo đúng tuyến đã đánh dấu, > dùng máy đục đục tường. Chiều sâu của rãnh đục bằng đường kính ngoài của ống, chiều rộng của rãnh đục bằng 1,5 đến 2 lần đường kính ống.
  • Với các ống treo trên trần phải dùng ty treo và quang treo phù hợp với từng đường kính ống.
  • Hàn ống PPR: Do trong công trình thường sử dụng ống đường kính nhỏ D20, D25 nên khi hàn lưu ý tránh hiện tượng quá nhiệt sẽ dễ làm thu hẹp tiết diện trong ống hoặc tắc ống.
  • Các vị trí chờ để đấu nối với thiết bị đều phải được bịt cẩn thận để thử áp lực đường ống và cũng để tránh vữa xi măng vào trong ống.

Thứ áp lực đường ống:

  • Mục đích kiểm tra khả năng làm việc của đường ống, phát hiện sớm các sự cố như rò rỉ, tắc ống. Quy trình thử áp như sau: Khi 1 khu vực nào đó đã lắp đặt xong đầy đủ theo thiết kế thì tiến hành thử áp lực. Bịt hết tất cả các đầu chờ cấp cho thiết bị bằng nút bịt ren hoặc bịt trơn. Để lại 2 vị trí đầu tuyến và cuối tuyến (1 vị trí để bơm nước vào và 1 vị trí để xả khí). Sau khi nước tới được vị trí cuối tuyến bịt vị trí này lại và tiến hành kích áp lực. Kích áp lực lên tới 4kg/cm2 thì dừng khóa và đi kiểm tra toàn tuyến phát hiện xem có rò rỉ gì không. Nếu không có sự cố thì giữ nguyên áp lực trong ống sau 2h nếu áp lực trong ống giảm không quá 0,5kg/cm2 thì đạt yêu cầu.

Lắp đặt thiết bị và vận hành chạy thử

  • Bàn giao lại hệ thống cho bộ phận xây dựng để họ trát, ốp lát. Sau khi ốp lát xong tiến hành lắp đặt thiết bị vệ sinh, lắp đặt máy bơm nước. Việc lắp đặt két nước mái có thể tận dụng cẩu tháp hoặc máy tời bên xây dựng để tiến hành lắp sớm hơn.
  • Vận hành chạy thử toàn bộ hệ thống. Kiểm tra đầy đủ toàn bộ hệ thống xem đã đủ điều kiện vận hành chưa, còn chỗ nào chưa hoàn thiện không. Kiểm tra hệ thống điện, khóa tất cả các van cấp nước xuống.  Tiến hành bơm nước lên két mái kiểm tra sự hoạt động máy bơm đã ổn định chưa. Sau đó bơm tiếp đến khi được khoảng ½ dung tích két mái thì dừng bơm. Mở lần lượt từ từ các van khóa để xông nước kiểm tra các thiết bị. Lưu ý nguyên tắc mở van nước mở theo dòng nước chảy. Ví dụ: b1 mở van tổng, b2 mở van trục (nếu có) b3 mở van nhánh của trục đã mở, B4 mở van khu vệ sinh của nhánh đã mở và kiểm tra sự hoạt động của các thiết bị trong khu vệ sinh, trong nhánh, trong trục đã mở. Cứ như vậy mở nước lần lượt các trục, nhánh còn lại.

Thi công thoát nước.

  • Lựa chọn loại ống thoát. Với các căn biệt thự, nhà liền kề nên dùng ống UPVC C2 (class 2). Ống C0, C1 chỉ nên dùng cho các công trình nhỏ, mang tính tạm thời.

 

Thi công thô:

  • Chỉ cần sàn đổ bê tông đã được tháo cốp pha là đã có thể thi công ống.
  • Về các lỗ mở hộp kỹ thuật, lỗ chờ ống thoát thiết bị vệ sinh. Với các công trình đã có sẵn thiết kế thì các lỗ này nên được đặt chờ ngay từ khi làm sắt sàn. Việc này sẽ tiết kiệm được chi phí cho chủ nhà. (Nhược điểm dễ đặt sai vị trí, hoặc nếu sau này muốn thay đổi lại phải đổ bù)
  • Với các công trình nhỏ thường hay thay đổi thiết kế, và không có bản vẽ chuẩn thì chỉ nên đặt chờ lỗ mở hộp kỹ thuật thôi, còn các lỗ xuyên sàn để khi lắp đặt dùng máy khoan rút lõi bê tông, như vậy sẽ chính xác hơn, ít sai sót hơn.
  • Lắp đặt đường ống. Bước 1: Tiến hành dựng trục thoát nước, dựa vào thiết kế xác định chính xác số lượng ống, đường kính trong trục, gia công giá đỡ trục (mỗi tầng tối thiểu 1 giá đỡ ống) bắt cố định vào tường hoặc sàn. Bước 2:  Tiến hành lắp đặt ống thoát nước nhánh. Vì có nhiều ống nhánh nên sẽ lắp đặt theo nguyên tắc ống bên trên lắp đặt trước, ống dưới lắp đặt sau và lắp từ trục lắp ra tới các lỗ chờ. Và phải đảm bảo độ dốc tối thiểu đường ống thoát

Thử kín đường ống thoát nước.

  • Thường sẽ phải thử kín theo trục. Thử từng trục 1 và 3-4 tầng thử 1 lần với nhà cao tầng. Nhà thấp tầng dưới 5 tầng chỉ thử 1 trục 1 lần. Gắn nắp bịt kín tất cả các đầu chờ của tuyến ống, rồi tiến hành đổ nước vào trong trục đổ từ điểm cao nhất, đổ đầy ống rồi đi kiểm tra phát hiện sự cố nếu có đánh dấu để khắc phục.
  • Đổ bù và chống thấm cổ ống xuyên sàn. Đây là việc hết sức quan trọng, nếu làm không cẩn thận nước sẽ thấm qua những vị trí như này xuống bên dưới gây ẩm mốc rất mất mỹ quan. Trước khi đổ bù cần đục tỉa xung quanh miệng ống rộng khoản 3 cm sâu 2-3 cm, vệ sinh sạch sẽ miệng ống, ghép cốp pha và đổ bù cổ ống bằng vật liệu vữa không co chuyên dụng.
  • Lưu ý: Sàn nhà vệ sinh sau khi đổ bù cổ ống cần phải làm 2 lớp chống thấm sàn và lên tường 30cm. Cho nước vào sàn để ngâm trong 2 ngày, kiểm tra kỹ xem có bị thấm không. Nếu bị thấm thì phải vệ sinh chống thấm lại cả khu vệ sinh này.

Công tác hoàn công hệ thống cấp thoát nước.

  • Sau lắp đặt xong phần thô (phần đường ống) cần tiến hành vẽ hoàn công. Mục đích xác định khối lượng vật tư và để làm tài liệu sau này sửa chữa ngôi nhà.
  • Bản vẽ hoàn công cần thể hiện rõ ràng vị trí ống đi âm tường, hướng tuyến, nguyên lý của hệ thống. Dựa vào bản vẽ hoàn công có thể tính chính xác khối lượng vật tư đã sử dụng.

Kết Luận.

Trên đây chúng tôi vừa chia sẻ cho các bạn các nguyên lý cơ bản của hệ thống cấp thoát nước trong nhà. Hi vọng điều này giúp ích được cho các bạn. Bạn có bất cứ câu hỏi nào về các thức thi công, bảo trì hệ thống điện nước có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại: 0989.578.569 để được tư vấn cụ thể.

Bảo trì hệ thống cơ điện là gì? vì sao phải bảo trì hệ thống cơ điện?

Thi công hệ thống cấp thoát nước công trình.

Nâng cấp nhà thông thường thành nhà thông minh

Các hệ thống điều hòa dùng phổ biến hiện nay

Các video hướng dẫn lắp đặt và bảo trì hệ thống cơ điện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
Đi đến